nguoi khuyet tat

Bản đồ tiếp cận” cho người khuyết tật

Posted on Updated on


Thứ sáu 19/04/2013 07:00

(VTV News)– “Bản đồ tiếp cận” là một dự án xã hội của Trung tâm khuyết tật DRD nhằm tăng sự hoà nhập của người khuyết tật với cộng đồng.

Dự án “Bản đồ tiếp cận” thu hút rất nhiều các bạn trẻ tham gia. (Ảnh: VTV News)
Dự án “Bản đồ tiếp cận” thu hút rất nhiều các bạn trẻ tham gia. (Ảnh: VTV News)

Môi trường tiếp cận không rào cản là môi trường tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập xã hội. Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, khái niệm tiếp cận không hề mới lạ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây vẫn là một vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

Nhận thấy người khuyết tật chưa có nhiều cơ hội tiếp cận xã hội là do các rào cản xã hội mà cụ thể là sự thiếu tiếp cận với các công trình xây dựng. Vì vậy, Trung tâm khuyết tật DRD đã thực hiện dự án mang tên “Bản đồ tiếp cận” cho người khuyết tật, góp phần vì một thế giới không có rào cản.

“Bản đồ tiếp cận” nhằm tăng sự hoà nhập của người khuyết tật với cộng đồng và nâng cao nhận thức của cộng đồng về nhu cầu hoà nhập chính đáng của người khuyết tật trong sự tiếp cận các công trình dân dụng và công trình công cộng.

Mỗi cá nhân, đơn vị, tổ chức chỉ cần thay đổi bằng một hành động nhỏ, hay chỉ cần thay đổi một con dốc nhỏ là đã có thể thay đổi cuộc đời của người khuyết tật giúp họ hòa nhập cộng đồng…

Với ý nghĩa nhân văn cao đẹp, từ khi dự án được khởi xướng đến nay, dự án đã thu hút rất nhiều các bạn trẻ tham gia. Hiện nay, dự án đang được triển khai tại một số các công trình tại khu vực TP.HCM giúp người khuyết tật tham gia hòa nhập với cộng đồng.

Mời quí vị theo dói VIDEO phóng sự tại đây.

VTV News

Nhịp cầu cho người khuyết tật

Posted on


18/03/2012 06:05
Tuổi Trẻ – Dự án “Bản đồ tiếp cận” của Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) ra đời như nối một nhịp cầu để người khuyết tật mạnh dạn bước ra ngoài xã hội, và để cộng đồng sẻ chia nỗi khó khăn với họ.

“Vượt qua một bậc thềm nhỏ đối với người khuyết tật là cả nỗi gian nan. Chúng ta không ở vào hoàn cảnh đó để hiểu rằng những công trình xung quanh đầy rào cản, khiến người khuyết tật không thể hòa nhập với cộng đồng” – thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, giám đốc DRD, chia sẻ.

Bạn trẻ trải nghiệm cảm giác ngồi xe lăn trong hoạt động “Khoảnh khắc kỳ diệu” tại công viên 23-9, TP.HCM - Ảnh: Lâm Nghi
Bạn trẻ trải nghiệm cảm giác ngồi xe lăn trong hoạt động “Khoảnh khắc kỳ diệu” tại công viên 23-9, TP.HCM – Ảnh: Lâm Nghi

Dẫn lối yêu thương

Theo kết quả khảo sát “Mức sống hộ gia đình” của Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và đầu tư năm 2006, tỉ lệ người khuyết tật chung của cả nước là 15,3%, trong đó vùng có tỉ lệ người khuyết tật cao nhất là Đông Nam bộ, thấp nhất là Tây Bắc. Tỉ lệ người khuyết tật ở khu vực thành thị (17,8%) cao hơn khu vực nông thôn (14,4%).

Từ Mãnh Kỳ, quản lý dự án, cho biết ý tưởng ban đầu của dự án là cho ra đời một bản đồ giấy dành cho người khuyết tật trong phạm vi quận 1 và quận 3 của TP.HCM; nhưng sau đó cả nhóm đã phát triển để có thêm bản đồ trực tuyến tất cả các quận trong thành phố. Hàng ngàn công trình phải khảo sát khắp thành phố là trọng trách đè nặng lên vai lực lượng nòng cốt là 40 tình nguyện viên. Họ là sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố, tranh thủ ngoài những giờ lên lớp, rong ruổi khắp nẻo đường Sài Gòn, không quản ngại trời nắng hay mưa khảo sát từng công trình một.

Trên cơ sở “Quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo người tàn tật tiếp cận sử dụng” do Bộ Xây dựng ban hành, ban quản lý dự án “Bản đồ tiếp cận” đã cho ra đời bảy tiêu chí đánh giá một công trình tiếp cận: lối vào, cửa, hành lang, quầy tiếp tân, thang bộ, thang máy và nhà vệ sinh. Nhưng làm thế nào lọt qua các cửa kiểm duyệt để đến gần với công trình khảo sát là cả vấn đề với các tình nguyện viên của dự án.

Một tình nguyện viên nhớ lại: “Có lần mình vào một trường học để khảo sát, bác bảo vệ hỏi đi đâu, mình bảo đi đón em. Bác bảo vệ hỏi vặn lại là em mình học lớp mấy, mình quýnh quá trả lời lớp 10. Bác bảo vệ mới bảo đây là trường cấp II. Lúc đó, mình chỉ muốn chui xuống đất cho xong”. Các tình nguyện viên muốn tiếp cận với công trình khảo sát phần lớn phải “sắm vai” là người nhà của gia đình có người khuyết tật, có nhu cầu sử dụng dịch vụ. Một số nơi không hợp tác với lý do “không phục vụ người khuyết tật”, một số nơi ngạc nhiên bởi từ trước đến giờ rất hiếm khách là người khuyết tật. Những câu trả lời ấy khiến Mãnh Kỳ không khỏi nghĩ đến một dự án để tăng cái cầu từ phía người khuyết tật, tăng cái cung từ phía các nhà cung cấp dịch vụ.

Đánh động cộng đồng

Mãnh Kỳ nhấn mạnh vai trò lớn nhất của “Bản đồ tiếp cận” là góp phần nâng cao nhận thức về người khuyết tật từ phía cộng đồng. “Trước giờ, khi nghĩ đến việc hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, chúng ta thường nghĩ đến những gì có tầm nhưng lại quên rằng các công trình xung quanh là cản trở đầu tiên để người khuyết tật bước ra xã hội” – Mãnh Kỳ nói.

Vì vậy, vào những buổi sáng chủ nhật gần đây, nhiều người ở các công viên ngạc nhiên trước một nhóm tình nguyện viên của dự án “Bản đồ tiếp cận” thực hiện hoạt động “Khoảnh khắc kỳ diệu”: người không khuyết tật trải nghiệm ngồi xe lăn. Trên những chiếc xe lăn được trang trí đẹp mắt, thân thiện với chong chóng, bóng bay… các tình nguyện viên của chương trình mời bạn trẻ có trải nghiệm mới mẻ trên chiếc xe lăn, để thử một lần đặt mình vào hoàn cảnh những người khuyết tật mà đồng cảm với những gì họ đang đối mặt.

Bạn Trần Thu Thắm, SV Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, tâm sự: “Lần đầu trong đời mình hiểu được cảm giác bức bối, gò bó và đầy lo lắng của các anh chị khuyết tật khi không có người hỗ trợ. Dù chỉ thử vài phút thôi nhưng mình thấy ngại khi không thể tự đẩy xe lên bậc dốc, huống chi là các anh chị khuyết tật”.

Với thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, “Bản đồ tiếp cận” ra đời như cách đánh động cộng đồng cùng đồng cảm với cuộc sống của người khuyết tật vốn còn nhiều khó khăn. Đó mới là ý nghĩa lớn lao của dự án.

Hữu Công – Thái Bình

DRD thực hiện dự án bản đồ tiếp cận dành cho người khuyết tật

Posted on


VOH  – 12/03/2012 19:59

(VOH) – Trung tâm Khuyết tật và Phát triển – DRD tổ chức thực hiện Dự án Bản đồ tiếp cận, nhằm cung cấp công cụ tạo điều kiện hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập với xã hội và góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề tiếp cận của người khuyết tật tại các công trình ở thành phố.

Bên cạnh hoạt động khảo sát thu thập thông tin xuất hành bản đồ giấy và cung cấp thông tin ở bản đồ trên mạng, dự án còn có nhiều hoạt động truyền thông phục vụ cho mục tiêu dự án, trong đó đặc biệt là Chiến dịch “Khoảnh khắc kỳ diệu” với các hoạt động bao gồm: mời gọi người dân trải nghiệm cảm giác ngồi xe lăn kết hợp với việc được hướng dẫn kỹ thuật đẩy xe lăn đúng cách; trả lời các câu hỏi cơ bản về khuyết tật; chơi nhạc và ảo thuật với sự tham gia của cả người khuyết tật và không khuyết tật…

Nguồn: Baomoi.com

 

Cầu thang cuốn dành riêng cho người khuyết tật

Posted on Updated on


Cách hoạt động

Mọi người sử dụng thang cuốn này y như kiểu thông thường. Tuy nhiên, khi người khuyết tật ngồi trên xe lăn cần sử dụng thang cuốn, họ có thể nhấn một cái nút để điều chỉnh ba bậc thang liền nhau cùng nâng lên ngang tầm tạo thành một mặt phẳng có thể đủ chỗ cho chiếc xe lăn lăn lên.

Một khi người và xe đã yên vị trên bậc thang đặc biệt này, thang cuốn sẽ di chuyển để đưa họ đến nơi. Khi người sử dụng rời khỏi thang cuốn, bậc thang đặc biệt sẽ chuyển đổi lại thành ba bậc thang bình thường. Sánchez cũng đã tính đến một hệ thống điều khiển từ xa dành cho những người khuyết tật không đủ khả năng nhấn chiếc nút điều chỉnh bậc thang đặc biệt. Mẫu thiết kế thang cuốn này cũng kết hợp chặt chẽ với các hệ thống tín hiệu ánh sáng và âm thanh để giúp người khiếm thính và khiếm thị có thể sử dụng dễ dàng. Thang cuốn có một hệ thống pin dự phòng để cung cấp điện trong trường hợp cúp điện bất ngờ. Vì thế người sử dụng được bảo đảm không bị treo lơ lửng mà sẽ luôn đến nơi an toàn.

Tiết kiệm điện và chi phí

Thang cuốn thông thường chỉ có thể di chuyển theo một hướng nên đòi hỏi phải lắp đặt một hệ thống bậc thang đi lên và một hệ thống đi xuống. Trong khi đó, mẫu thiết kế của Sánchez vận hành chỉ với một vòng quay khép kín, tương tự như băng tải hành lý ở phi trường nhưng theo một đường dốc. Nghĩa là có thể sử dụng cùng một thang cuốn để vận chuyển theo cả hai hướng. “Khó khăn chủ yếu về mặt kỹ thuật mà tôi phải vượt qua đó là tìm cách nào để làm cho cầu thang đổi hướng khi tới cuối đường dốc, nhưng cuối cùng tôi đã làm được,” Sánchez nói. Sánchez tính toán rằng với hệ thống thang cuốn này sẽ giúp tiết kiệm được đến 30% lượng điện sử dụng và 35% chi phí khác so với thang cuốn thông thường. Anh cho rằng mẫu thiết kế thang cuốn của mình hoàn toàn có thể thay thế một thang máy để phục vụ người khuyết tật với chi phí rẻ hơn và tiện lợi hơn. Nó cũng sẽ giúp giải quyết tốt vấn đề đi lại ở những nơi có địa hình dốc nhưng không thể lắp đặt một thang máy.

Thang cuốn dành cho người khuyết tật
Thang cuốn dành cho người khuyết tật

Dự án chưa đưa vào hoạt động hiện vẫn đang tìm nhà đầu tư

Hiện tại tác giả đã được nhận giải thưởng cho luận án tốt nghiệp sáng tạo nhất ở ETSEIAT. Mẫu thiết kế cũng đã được cấp bằng sáng chế và đang chờ các nhà đầu tư tài trợ để phát triển loại thang cuốn độc đáo này. Ngày nay, chỉ tính riêng ở Tây Ban Nha đã có 3,5 triệu người khuyết tật và 5,6 triệu người gặp khó khăn khi lên xuống cầu thang. Rất nhiều trường hợp khác cũng gặp khó khăn khi di chuyển với các xe hàng hóa, xe đẩy, cáng cứu thương, v.v… Nên thiết kế thang cuốn.

Hy vọng mẫu thang cuốn này sẽ được cộng đồng chào đón!

Những điều cần biết khi giao tiếp với người khuyết tật

Posted on


Người khuyết tật (NKT) thật ra không có yêu cầu gì đặc biệt trong giao tiếp. Nhưng có những “biến tấu” của không ít người trong lúc giao tiếp với NKT có thể vô tình gây phản tác dụng.

Bản Đồ Tiếp Cận có vài chia sẻ hy vọng sẽ giúp bạn biết tại sao và chọn cách xử sự đúng mực hơn:

1. Tập nói: Cho phép mình giúp bạn nhé!
Nếu muốn giúp một NKT dù quen hay lạ, bạn nên bắt đầu bằng câu nói ấy. Có thể người ấy nói không vì khách sáo, nhưng bạn vẫn phải tôn trọng ý kiến. Nếu người đó thích tự làm thì việc bạn cố giúp cũng có nghĩa là cố làm nghịch ý của họ. Thế thì mong muốn giúp đỡ của bạn chỉ đơn giản là làm thỏa mãn sở thích của bạn.

Giao tiếp với người khuyết tật
Giao tiếp với người khuyết tật

2. Đặt câu hỏi: Mình phải làm gì/làm thế nào đây?
Bạn nên nghe người khuyết tật giới thiệu cách hỗ trợ, xin đừng tự ý làm theo cách bạn nghĩ. Muốn đưa một người khiếm thị băng qua đường, hãy để người đó nắm tay bạn thay vì bạn nắm gậy của người đó hoặc kéo tay người đó đi. Nếu muốn nâng một người đi nạn bước lên xe buýt cũng phải theo sự hướng dẫn của người ấy. Nếu không bạn có thể gây ra một tai nạn nhỏ đấy. Có nhiều trường hợp người hỗ trợ vì quá nhiệt tình hỗ trợ mà không hiểu các nguyên tắc sử dụng nạn, xe lăn, gậy dò đường đã vô tình làm người khuyết tật bị ngã, bị va đầu vào thành xe…

3. Gọi tên hoặc chạm nhẹ vào người khiếm thị khi cần nói điều gì
Bạn nên gọi tên người khiếm thị hoặc nắm nhẹ tay, vỗ vai thân ái… khi cần nói với người ấy. Vì nếu không có động tác này có thể người đó sẽ không hiểu bạn đang nói với ai. Nếu tiếp xúc với người khiếm thính cần tránh việc vỗ vai họ từ phía sau. Bạn cần tiến đến trước mặt người đó rồi mới chào.

Hãy chạm nhẹ vào người khiếm thị khi muốn bắt chuyện với họ
Hãy chạm nhẹ vào người khiếm thị khi muốn bắt chuyện với người đó(ảnh minh hoạ)

4. Tự giới thiệu chính mình khi giao tiếp với người khiếm thị
Khi gặp một người quen khiếm thị, nhiều người thích chào người quen này bằng câu đùa: “Anh có nhớ ai không?”. Một số người khiếm thị than phiền rằng bạn bè thân thích đôi khi lại không chào mà chỉ vỗ vai rồi bỏ đi mặc cho người ấy muốn đoán ai thì đoán! Điều ấy có khi làm người khiếm thị có cảm giác đang bị trêu chọc bị xem là trò đùa cho mọi người.

Tốt nhất bạn nên chào hỏi người quen khiếm thị của mình bằng lời chào trân trọng, thân mật và tự giới thiệu chính mình. Đừng buộc người ấy tham gia trò chơi đố vui không thưởng của bạn.

5. Thong thả bước đi bên người bị tật chân
Một số người đi nạng, đi xe lăn rất ngại đi chung với bạn bè chân khỏe vì người đó thường bị thúc hối: đi nhanh lên kẻo trễ giờ. Người tật chân rất muốn có những bước chân vững chắc như mọi người nhưng họ không thể làm được. Một số chàng trai tật chân còn bị bạn bè nghịch bằng cách đánh phá rồi chạy ra xa để các anh này đuổi theo. Dường như trò đùa tàn nhẫn này chỉ kết thúc khi kẻ bị trêu chọc phát khóc.

giao-tiep-voi-nkt-3

6. Giới thiệu các món ăn trên bàn
Khi ngồi chung bàn với người khiếm thị, bạn cần giới thiệu tên từng món và lần lượt gắp các món ấy cho vào chén người hỏng mắt. Biết đâu trong số ấy có những món mà người đó chỉ nghe tên mà chưa từng nếm. Sau khi nếm qua các món hiện có, bạn hãy hỏi xem người ấy thích món nào và gắp giúp người ấy.

7. Lịch thiệp với người tật trí não
Nhiều người tật chậm phát triển trí não đã lớn tuổi nhưng khả năng tư duy chỉ như một em bé lên 5, lên 6. Tuy vậy nếu bạn tôn trọng nhân cách của người đó thì hãy ứng xử với người ấy theo đúng với các qui tắc xã hội.
Người chậm phát triển trí não vẫn có tự ái và cảm thấy đau khổ nếu bị xúc phạm, bị coi khinh do có thần kinh nhạy cảm chỉ là người ấy không biết cách diễn đạt nỗi khổ tâm này. Vì vậy sự tôn trọng nhân cách của bạn sẽ giúp ổn định tinh thần và tạo thuận lợi cho người ấy phát triển tư duy.