bản đồ tiếp cận

Dự án Bản đồ tiếp cận của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển trên VTV4

Posted on Updated on


Trong chương trình Cuộc sống vẫn tươi đẹp trên VTV4 đã có bài phóng sự nói về dự án Bản đồ tiếp cận:

Các bạn cùng theo dõi nhé!

Phóng sự về Bản Đồ Tiếp Cận của DRD trên HTV9

Posted on Updated on


Đây là phóng sự về dự án Bản đồ tiếp cận của DRD Việt Nam trên HTV9 vào tháng 3/2012:

Bản đồ tiếp cận” cho người khuyết tật

Posted on Updated on


Thứ sáu 19/04/2013 07:00

(VTV News)– “Bản đồ tiếp cận” là một dự án xã hội của Trung tâm khuyết tật DRD nhằm tăng sự hoà nhập của người khuyết tật với cộng đồng.

Dự án “Bản đồ tiếp cận” thu hút rất nhiều các bạn trẻ tham gia. (Ảnh: VTV News)
Dự án “Bản đồ tiếp cận” thu hút rất nhiều các bạn trẻ tham gia. (Ảnh: VTV News)

Môi trường tiếp cận không rào cản là môi trường tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập xã hội. Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, khái niệm tiếp cận không hề mới lạ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây vẫn là một vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

Nhận thấy người khuyết tật chưa có nhiều cơ hội tiếp cận xã hội là do các rào cản xã hội mà cụ thể là sự thiếu tiếp cận với các công trình xây dựng. Vì vậy, Trung tâm khuyết tật DRD đã thực hiện dự án mang tên “Bản đồ tiếp cận” cho người khuyết tật, góp phần vì một thế giới không có rào cản.

“Bản đồ tiếp cận” nhằm tăng sự hoà nhập của người khuyết tật với cộng đồng và nâng cao nhận thức của cộng đồng về nhu cầu hoà nhập chính đáng của người khuyết tật trong sự tiếp cận các công trình dân dụng và công trình công cộng.

Mỗi cá nhân, đơn vị, tổ chức chỉ cần thay đổi bằng một hành động nhỏ, hay chỉ cần thay đổi một con dốc nhỏ là đã có thể thay đổi cuộc đời của người khuyết tật giúp họ hòa nhập cộng đồng…

Với ý nghĩa nhân văn cao đẹp, từ khi dự án được khởi xướng đến nay, dự án đã thu hút rất nhiều các bạn trẻ tham gia. Hiện nay, dự án đang được triển khai tại một số các công trình tại khu vực TP.HCM giúp người khuyết tật tham gia hòa nhập với cộng đồng.

Mời quí vị theo dói VIDEO phóng sự tại đây.

VTV News

Nhịp cầu cho người khuyết tật

Posted on


18/03/2012 06:05
Tuổi Trẻ – Dự án “Bản đồ tiếp cận” của Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) ra đời như nối một nhịp cầu để người khuyết tật mạnh dạn bước ra ngoài xã hội, và để cộng đồng sẻ chia nỗi khó khăn với họ.

“Vượt qua một bậc thềm nhỏ đối với người khuyết tật là cả nỗi gian nan. Chúng ta không ở vào hoàn cảnh đó để hiểu rằng những công trình xung quanh đầy rào cản, khiến người khuyết tật không thể hòa nhập với cộng đồng” – thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, giám đốc DRD, chia sẻ.

Bạn trẻ trải nghiệm cảm giác ngồi xe lăn trong hoạt động “Khoảnh khắc kỳ diệu” tại công viên 23-9, TP.HCM - Ảnh: Lâm Nghi
Bạn trẻ trải nghiệm cảm giác ngồi xe lăn trong hoạt động “Khoảnh khắc kỳ diệu” tại công viên 23-9, TP.HCM – Ảnh: Lâm Nghi

Dẫn lối yêu thương

Theo kết quả khảo sát “Mức sống hộ gia đình” của Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và đầu tư năm 2006, tỉ lệ người khuyết tật chung của cả nước là 15,3%, trong đó vùng có tỉ lệ người khuyết tật cao nhất là Đông Nam bộ, thấp nhất là Tây Bắc. Tỉ lệ người khuyết tật ở khu vực thành thị (17,8%) cao hơn khu vực nông thôn (14,4%).

Từ Mãnh Kỳ, quản lý dự án, cho biết ý tưởng ban đầu của dự án là cho ra đời một bản đồ giấy dành cho người khuyết tật trong phạm vi quận 1 và quận 3 của TP.HCM; nhưng sau đó cả nhóm đã phát triển để có thêm bản đồ trực tuyến tất cả các quận trong thành phố. Hàng ngàn công trình phải khảo sát khắp thành phố là trọng trách đè nặng lên vai lực lượng nòng cốt là 40 tình nguyện viên. Họ là sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố, tranh thủ ngoài những giờ lên lớp, rong ruổi khắp nẻo đường Sài Gòn, không quản ngại trời nắng hay mưa khảo sát từng công trình một.

Trên cơ sở “Quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo người tàn tật tiếp cận sử dụng” do Bộ Xây dựng ban hành, ban quản lý dự án “Bản đồ tiếp cận” đã cho ra đời bảy tiêu chí đánh giá một công trình tiếp cận: lối vào, cửa, hành lang, quầy tiếp tân, thang bộ, thang máy và nhà vệ sinh. Nhưng làm thế nào lọt qua các cửa kiểm duyệt để đến gần với công trình khảo sát là cả vấn đề với các tình nguyện viên của dự án.

Một tình nguyện viên nhớ lại: “Có lần mình vào một trường học để khảo sát, bác bảo vệ hỏi đi đâu, mình bảo đi đón em. Bác bảo vệ hỏi vặn lại là em mình học lớp mấy, mình quýnh quá trả lời lớp 10. Bác bảo vệ mới bảo đây là trường cấp II. Lúc đó, mình chỉ muốn chui xuống đất cho xong”. Các tình nguyện viên muốn tiếp cận với công trình khảo sát phần lớn phải “sắm vai” là người nhà của gia đình có người khuyết tật, có nhu cầu sử dụng dịch vụ. Một số nơi không hợp tác với lý do “không phục vụ người khuyết tật”, một số nơi ngạc nhiên bởi từ trước đến giờ rất hiếm khách là người khuyết tật. Những câu trả lời ấy khiến Mãnh Kỳ không khỏi nghĩ đến một dự án để tăng cái cầu từ phía người khuyết tật, tăng cái cung từ phía các nhà cung cấp dịch vụ.

Đánh động cộng đồng

Mãnh Kỳ nhấn mạnh vai trò lớn nhất của “Bản đồ tiếp cận” là góp phần nâng cao nhận thức về người khuyết tật từ phía cộng đồng. “Trước giờ, khi nghĩ đến việc hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, chúng ta thường nghĩ đến những gì có tầm nhưng lại quên rằng các công trình xung quanh là cản trở đầu tiên để người khuyết tật bước ra xã hội” – Mãnh Kỳ nói.

Vì vậy, vào những buổi sáng chủ nhật gần đây, nhiều người ở các công viên ngạc nhiên trước một nhóm tình nguyện viên của dự án “Bản đồ tiếp cận” thực hiện hoạt động “Khoảnh khắc kỳ diệu”: người không khuyết tật trải nghiệm ngồi xe lăn. Trên những chiếc xe lăn được trang trí đẹp mắt, thân thiện với chong chóng, bóng bay… các tình nguyện viên của chương trình mời bạn trẻ có trải nghiệm mới mẻ trên chiếc xe lăn, để thử một lần đặt mình vào hoàn cảnh những người khuyết tật mà đồng cảm với những gì họ đang đối mặt.

Bạn Trần Thu Thắm, SV Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, tâm sự: “Lần đầu trong đời mình hiểu được cảm giác bức bối, gò bó và đầy lo lắng của các anh chị khuyết tật khi không có người hỗ trợ. Dù chỉ thử vài phút thôi nhưng mình thấy ngại khi không thể tự đẩy xe lên bậc dốc, huống chi là các anh chị khuyết tật”.

Với thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, “Bản đồ tiếp cận” ra đời như cách đánh động cộng đồng cùng đồng cảm với cuộc sống của người khuyết tật vốn còn nhiều khó khăn. Đó mới là ý nghĩa lớn lao của dự án.

Hữu Công – Thái Bình

Ra mắt bản đồ tiếp cận cho người khuyết tật

Posted on


(Dân trí) – Dù Việt Nam đã có quy chuẩn quốc gia về xây dựng đảm bảo cho người khuyết tật (NKT) tiếp cận từ rất sớm nhưng các công trình tuân thủ quy chuẩn này (kể cả tại thành phố lớn) lại rất ít ỏi.

Với thực trạng xây dựng hiện nay của Việt Nam, tiếp cận chỉ là 1 “ước mơ” đối với NKT
Với thực trạng xây dựng hiện nay của Việt Nam, tiếp cận chỉ là 1 “ước mơ” đối với NKT

Bà Từ Mãnh Kỳ, cán bộ phụ trách dự án Bản đồ tiếp cận của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), cho biết: “Tiếp cận là việc NKT sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng”.

Đây là một khái niệm không mới ở Việt Nam, nó được thể hiện trong rất nhiều chính sách, quy định tiến bộ của nhà nước như Pháp lệnh Người tàn tật, Luật Người khuyết tật và nhiều bộ luật chuyên ngành khác như xây dựng, giao thông… Tuy nhiên, điều quan trọng là các chính sách, quy định trên chưa được nhiều cá nhân, tổ chức tuân thủ.

Các công trình xây dựng không tuân thủ quy chuẩn tiếp cận khiến NKT khó khăn khi đến đây làm việc, sinh hoạt
Các công trình xây dựng không tuân thủ quy chuẩn tiếp cận khiến NKT khó khăn khi đến đây làm việc, sinh hoạt

 

 Theo bà Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc DRD thì hiện các công trình xây dựng, giao thông… tại Việt Nam (kể cả các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM) còn rất “xa cách” với NKT vì nó không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật cho NKT tiếp cận.

Bà nêu nhiều ví dụ như bậc tam cấp vào các tòa nhà quá cao, chưa có lối đi dành riêng cho NKT, không có thềm cho xe lăn NKT đi lên vỉa hè, trên vỉa hè không có gờ dẫn hướng cho người khiếm thị… Đặc biệt là ngay cả các công trình công cộng như công sở, công viên, nhà hát… cũng không đảm bảo các quy chuẩn này làm hạn chế rất nhiều đến hoạt động của NKT, làm NKT khó hòa nhập cộng đồng.

Để minh chứng cho điều này, bà Từ Mãnh Kỳ cho biết: “Trong 1 năm, hơn 50 tình nguyện viên của DRD đã khảo sát 1.800 công trình công cộng (bệnh viện, truờng học, nhà hàng,…) trên địa bàn TP, kết quả là chỉ có 78 công trình xây dựng đúng quy chuẩn, có thể tiếp cận cho NKT”.

Tuy kết quả khảo sát rất đáng thất vọng nhưng DRD cũng quyết định tập hợp 78 công trình tiếp cận trên vào Bản đồ tiếp cận để phát miễn phí cho NKT trên địa bàn TP. Trong ngày 30/9, DRD đã cho ra mắt Bản đồ tiếp cận trên để giúp NKT biết được những công trình nào mình có thể tiếp cận được trên địa bàn TPHCM.

Các tình nguyện viên DRD vui mừng cho ra mắt Bản đồ tiếp cận sau 1 năm khảo sát 1.800 công trình công cộng tại TPHCM
Các tình nguyện viên DRD vui mừng cho ra mắt Bản đồ tiếp cận sau 1 năm khảo sát 1.800 công trình công cộng tại TPHCM

Bà Từ Mãnh Kỳ, người phụ trách dự án cho biết: “Bản đồ tiếp cận cung cấp thông tin về 78 địa điểm mà người sử dụng xe lăn có thể tiếp cận ở khu vực quận 1 và quận 3 của TPHCM. Trong 1 địa điểm, người đọc có thể biết 5 tiêu chí hết sức cần thiết của 1 công trình để người đi xe lăn có thể sử dụng: lối vào, cửa, hành lang, thang máy và nhà vệ sinh”.

Bản đồ này không chỉ giúp ích cho NKT đi xe lăn mà còn giúp người già yếu, người bị thương tật nên hạn chế di chuyển, phụ nữ mang thai… Ngoài xuất bản tập bản đồ giấy, bản đồ tiếp cận này cũng được đưa lên hệ thống mạng tại địa chỉ trang web drdvietnam.com để đông đảo mọi người có thể tham khảo.

Tùng Nguyên