Bản Đồ Đánh Giá Tiếp Cận

Giới thiệu dự án “Bản đồ tiếp cận cho người khuyết tật”

Năm 2006, Việt Nam có khoảng 5.3 triệu người khuyết tật, chiếm 6.63% tổng dân số (Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội). Số lượng người này vượt hơn tổng số dân của Đảo quốc Sư tử thống kê năm 2010 là 5.076 triệu người (Theo bản Điều tra dân số của Singapore 2010). Đây thực sự là một cộng đồng lớn trong xã hội Việt Nam.

Để hỗ trợ việc hòa nhập xã hội và tiếp cận công trình cho người khuyết tật, từ năm 2002 Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 01/2002-BXD ban hành bộ Quy chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn xây dựng cho các đơn vị chủ quản, bao gồm các văn bản hướng dẫn với đầy đủ số liệu cụ thể trong xây dựng:

QCXDVN 012002, Quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo người tàn tật tiếp cận sử dụng.

TCXDVN 2642002, Nhà và công trình – Nguyên tắc cơ bản xây dựng công trình để đảm bảo người tàn tật tiếp cận sử dụng.

Tuy nhiên việc thực thi Quyết định vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.

Nhận thấy việc người khuyết tật chưa có nhiều cơ hội hòa nhập xã hội là do các rào cản xã hội, mà cụ thể là sự thiếu tiếp cận của các công trình xây dựng, cô Võ Thị Hoàng Yến- Giảng viên phân tích hành vi ứng dụng, công tác xã hội với người khuyết tật của trường Đại học Mở, đồng thời là Giám đốc của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD đã ấp ủ và thực hiện dự án mang tên “Bản đồ tiếp cận cho người khuyết tật”. Dự án được Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD thực hiện.

+ Mục tiêu của dự án:

– Nâng cao nhận thức của cộng đồng về “nhu cầu tiếp cận cho mọi người”.

+ Đối tượng nhắm đến là người hạn chế vận động và phân thành 4 mức độ:

– Mức độ 3: người đi xe lăn

– Mức độ 2: người chống nạn

– Mức độ 1: người có chân yếu

– Mức độ 0: người không khuyết tật

Ngoài ra những người lớn tuổi đi lại khó khăn, phụ huynh đẩy xe nôi cũng rất cần các tiện ích của người khuyết tật

+ Đầu ra của dự án sẽ là:

– Bản đồ giấy phạm vi quận 1 và quận 3

– Bản đồ web phạm vi toàn thành phố

Nội dung thể hiện trên các bản đồ sẽ là những công trình xây dựng không tiếp cận hay có tiếp cận phân theo từng mức độ (3,2,1,0).

Trang Facebook Bản đồ tiếp cận sẽ cung cấp tất cả những thông tin về dự án: hoạt động của gần 40 bạn tình nguyện viên cho dự án, những chia sẻ vui buồn của các bạn trong quá trình đi làm việc, những thông tin ngoài lề liên quan đến lĩnh vực khuyết tật và các lĩnh vực khác.

Đồng hành cùng Bản đồ tiếp cận là bạn đã góp phần vào việc biến xã hội này thành nơi thân thiện hơn với một cộng đồng lớn trong xã hội.


Bình luận về bài viết này