Giáng Sinh 2012 – Đôi nét Nhà Thờ chưa đẹp

Posted on Updated on


Một mùa Giáng Sinh yêu thương vừa khép lại với dư âm ấm áp của tình người, lung linh những tấm lòng và hạnh phúc nhưng nụ cười của những chuyến từ thiện ở khắp mọi nơi. Người Công giáo cũng như không Công giáo đều hướng về tình yêu, tình người, đều kêu gọi tinh thần Giáng Sinh yêu thương vì người neo đơn, vì những hoàn cảnh đặc biệt.

Trang hoàng cho không khí Giáng Sinh là phố phường lên đèn lung linh. Đẹp nhất vẫn là hình ảnh những nhà thờ lộng lẫy, cổ kính và ấm áp. Nhưng đáng tiếc rằng nơi trung tâm Giáng Sinh lộng lẫy đó vẫn chưa thật sự dành cho tất cả mọi người. Vẫn còn rất nhiều người khuyết tật, người cao tuổi, người yếu bệnh và những hoàn cảnh đặc biệt khác không thể tiếp cận nhà thờ vì ở nơi đó, có quá nhiều những rào cản.

HÀNG RÀO NGĂN CÁCH KHUÔN VIÊN NHÀ  THỜ

Cổng sắt nhà thờ Tân Chí Linh Q3
Rãnh này là bình thường với nhiều người, nhưng thật sự là hào sâu đối với 2 bánh nhỏ của xe lăn – xe lắc, là bẫy chết người đối với người khiếm thị, là vực thẳm đối với những người cao tuổi đang phải cố sức để nhích từng bước chân.

Rào cản đầu tiên có thể kể đến là những hàng rào ở cổng chính. Do bối cảnh đất chật người đông, mỹ quan kiến trúc và an ninh công trình, mà hầu như các nhà thờ đều có tường rào kiên cố và cổng sắt. Đặc biệt khi cổng chính của nhà thờ sử dụng cửa sắt kéo, rãnh của loại cửa sắt này đào sâu, có những chỗ bị hư hại tạo thành vết nứt ổ gà. Rãnh này là bình thường với nhiều người, nhưng thật sự là hào sâu đối với 2 bánh nhỏ của xe lăn – xe lắc, là bẫy chết người đối với người khiếm thị, là vực thẳm đối với những người cao tuổi đang phải cố sức để nhích từng bước chân.

 NHÀ THỜ – CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC CỦA NHỮNG BẬC TAM CẤP

Lối đi không an toàn cho người lớn tuổi, người yếu chân, người đi xe lăn, người đi nạng và cả phụ nữ đang mang thai.

Rào cản tiếp theo là lối vào nhà thờ, đây cũng là rào cản lớn nhất đối với những người có nhu cầu tiếp cận. Một đặc điểm chung thường thấy nhất là hầu như các nhà thờ đều xây dựng với một dãy các bậc tam cấp. Một số nhà thờ mới thành lập sau này do diện tích hạn hẹp đã bỏ hẳn những đường dốc dành cho xe lăn, còn những nhà thờ có tuổi thọ hơn 15 năm thì hầu hết vẫn có đường dốc nằm đâu đó bên hông nhà thờ hoặc khuất hẳn ở phía sau.

Những đường dốc này sẽ đỡ đần một phần nào đó cho những ai muốn giúp người thân đẩy xe lăn vào nhà thờ. Nhưng trên thực tế, những đường dốc này không xây dựng trên chuẩn tiếp cận nên chưa giải quyết được bài toán “nhà thờ không rào cản”.

Độ dốc của những đường dốc này thường là 30o đến 60o, chiều dài dốc từ 1 đến 2m. Hầu như không có tay vịn, lan can bên hông đường dốc được xây bằng gạch và trẻ em thường “tận dụng” độ dốc của lan can này để làm…. cầu tuột. Không cần đến kiến trúc sư hay chuyên gia đô thị học, ai cũng có thể hiểu rằng xe lăn, người cao tuổi, người đi nạng, phụ nữ mang thai hay đẩy xe nôi không thể sử dụng đường dốc này.

Hầu như các đường dốc này không được bố trí dẫn đến sảnh chính nhà thờ, người đi xe lăn không thể đi đâu khác ngoài đi vào hành lang bên trong nhà thờ ở sát bên dưới cung thánh – nơi mà họ không thể ngồi tham dự thánh lễ.

BÊN TRONG NHÀ THỜ – BỮA TIỆC CÓ NHỮNG VỊ KHÁCH KHÔNG CÓ CHỖ NGỒI

Trong năm, thường có những thánh lễ đặc biệt dành cho những NKT, người cao tuổi, người đau bệnh. Trong những thánh lễ này, họ trở thành nhân vật chính và được ưu ái nhưng những kiệt tác của cuộc sống, toàn bộ khuôn viên chính của nhà thờ là dành cho họ. Nhưng những ngày còn lại trong năm, họ là những người ngồi bên lề, ngoài sân và gởi tấm lòng thành kính vào bên trong nhà thờ – nơi không có chỗ dành cho họ.

Bao giờ cũng vậy, để cử hành thánh lễ này, có cả một đội quân tình nguyện viên trẻ khoẻ để hỗ trợ. Nhưng những ngày còn lại trong năm, cả thể giới nhìn họ thương hại, thờ ơ và đôi khi nhầm lẫn họ với những người bán vé số, ăn xin đáng nghi ngờ và cần đề phòng lừa đảo. Rào cản đến ngay từ ánh nhìn của những người xung quanh. Vậy tự hỏi rằng, tại sao họ không vào bên trong nhà thờ? Vì ở nơi đó, họ không có chỗ ngồi.

Hành lang bên trong nhà thờ là loại trở ngại tiếp theo. Hành lang này thường nhỏ hẹp nên đôi khi xe lăn – xe lắc không lách qua được. Hành lang này lại là lối đi của cộng đoàn trong nghi thức rước lễ. Vì vậy, NKT sử dụng phương tiện hỗ trợ thường có tâm lý e ngại khi làm “cản trở giao thông” nếu chiếm chỗ trong những hành lang nhà thờ.

Thế nhưng, ngoài hành lang ra, họ không thể bỏ xe lăn để vào với hàng ghế. Một điều nên nhớ rằng, NKT không thể thoải mái và an toàn khi không đi cùng với xe lăn của mình, kể cả khi có người trợ giúp. Trong một số trường hợp dạng chấn thương tuỷ sống, ghế của nhà thờ không thoải mái và đôi khi gây nguy hiểm cho sức khoẻ của NKT hoặc họ không thể giữ thăng bằng và ngồi trên ghế như mọi người.

Cuối cùng, một thánh lễ thường rất đông người. Những NKT, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai,… có những đặc điểm hạn chế về sức khoẻ sẽ không chịu nổi không khí ngộp hoặc gió mạnh – đặc biệt là loại gió thốc của quạt công nghiệp mà các nhà thờ ở Việt Nam đang sử dụng. Họ còn có một nhu cầu đi lại thuận tiện để có thể kịp thời di chuyển ra ngoài nhà thờ mà không cản trở người khác dự lễ.

Đó là việc tham dự thánh lễ, còn đối với nghi thức rước lễ, họ phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. Nếu không có người thân, ở một số nhà thờ có các anh trật tự viên rất tinh tế và nhiệt tình sẽ dẫn đường cho linh mục đem Thánh thể (bánh đã được ban phép) đến tận nơi. Đây là một hình ảnh đẹp, nhưng theo cơ chế “ban phát xin – cho” hoàn toàn không có tính chủ động, nhưng đã thành một tâm lý chung mà ai cũng thấy đây là điều “hiển nhiên”.

Với tất cả những rào cản trên, NKT linh động thích nghi bằng cách chọn một vị trí ngoài sân, cách xa nơi mọi người tập trung đông. Họ đến thật sớm để ổn định chỗ ngồi an toàn nhất không cản trở ai và sẽ ra về sớm trước khi mọi người túa ra về để không “bị” trở thành những tác nhân gây tắc nghẽn giao thông đường phố.

Thật sự mà nói, nhu cầu tham dự thánh lễ của những người cao tuổi, NKT, người đau bệnh… là rất cao. Trung bình mỗi thánh lễ thường có ít nhất 1-2 NKT, rất nhiều người từ 60 tuổi trở lên và không phải lúc nào họ cũng đi cùng một người thân hay có một đội ngũ tình nguyện viên túc trực. Những người có nhu cầu tiếp cận này thường lại là những người rất sốt sắng đến dự lễ. Với đức tin của mình, họ chẳng quản ngại đường xá và nguy hiểm đến được đến nhà thờ dù chỉ là ngồi từ phía bên ngoài. Hành động này cũng giống như một người khoẻ mạnh vượt vực thẳm, trèo lên vách đá, đứng cheo leo nơi lộng gió để cầu nguyện và tìm sự “bình yên”.

Đây không phải là câu chuyện của những đòi hỏi cơ sở vật chất tối tân hiện đại, mà chỉ là một thay đổi nhỏ về suy nghĩ của mỗi người, sự quan tâm tinh tế trong thiết kế kiến trúc đặt người sử dụng làm trung tâm: thiết kế công trình cho người sử dụng và suy nghĩ như người sử dụng.

Matthew 16:19″And that’s not all. You will have complete and free access to God’s kingdom, keys to open any and every door: no more barriers between heaven and earth, earth and heaven. A yes on earth is yes in heaven.”

Giáng Sinh và tất cả mọi ngày trong năm sẽ đẹp hơn nếu tất cả mọi người được đến nhà thờ và lựa chọn chỗ ngồi cho mình ở một vị trí mà mình có thể tĩnh lặng theo cách của mình. Các linh mục đã mời gọi mọi người đến dự lễ thì vào bên trong nhà thờ, mong rằng sắp tới đây các ngài sẽ hỗ trợ mọi người vào nhà thờ bằng những hành động xoá rào cản thiết thực nhất, đồng cảm và khích lệ những người có nhu cầu tiếp cận.

Không có rào cản nào lớn bằng rào cản tâm lý, nếu như những rào cản vật lý – địa lý này còn không thể xoá bỏ thì còn lâu lắm nhà thờ mới trở nên tiếp cận cho rất cả mọi người.

.:: M.T ::.

1 bình luận về “Giáng Sinh 2012 – Đôi nét Nhà Thờ chưa đẹp

    Xây dựng nhà thờ tiếp cận « Bản Đồ Tiếp Cận said:
    Tháng Mười Hai 30, 2011 lúc 1:15 sáng

    […] Tháng Mười Hai 30, 2011 by Bản đồ tiếp cận Sau bài viết về tình trạng các nhà thờ chưa tiếp cận ở Việt Nam, và tham khảo mô hình nhà thờ tiếp cận do Giáo Hội Canada xây dựng cùng với […]

Bình luận về bài viết này